Trong đó, giảm tổng mức đầu tư dự án từ 22.938 tỉ đồng xuống 19.207 tỉ đồng (giảm 3.730 tỉ đồng).
Điều chỉnh diện tích đất thu hồi là 5.317 ha, giảm 82 ha. Trong đó, tăng diện tích đất khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn lên 284,7 ha, tăng 2,35 ha; tăng diện tích đất tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không 32,65 ha.
Chính phủ cũng đề nghị giảm thực hiện đầu tư đối với diện tích đất phân khu 3 - khu dân cư, tái định cư Bình Sơn 97 ha và giảm diện tích đất khu nghĩa trang 20 ha.
Đồng thời, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến hết năm 2024, thay vì đến năm 2021.
Lý do điều chỉnh, theo Bộ trưởng Bộ GTVT, theo Nghị quyết 53/2017/QH của Quốc hội, thời gian hoàn thành dự án trong năm 2021, song tiến độ không đáp ứng được. Nguyên nhân do 2 năm có dịch Covid-19 khiến khu vực H.Long Thành và tỉnh Đồng Nai nhiều lần phải giãn cách xã hội, khó khăn trong đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường.
Dự án có khối lượng công việc thực hiện rất lớn, phức tạp, đòi hỏi phải cẩn trọng, tỉ mỉ. Nhiều hộ dân bị vướng mắc về giấy tờ đất cần phải kéo dài thời gian xác minh và gặp nhiều khó khăn trong đền bù.
Đặc biệt, nhiều cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác đền bù thường xuyên thay đổi, giai đoạn đầu chưa triển khai quyết liệt… UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã kiến nghị, bổ sung một số nội dung ngoài báo cáo khả thi được phê duyệt, dẫn đến phải giải trình nhiều lần với Hội đồng thẩm định nhà nước, làm kéo dài quá trình điều chỉnh dự án, chậm việc báo cáo Quốc hội.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn đến hết tháng 12.2024. Tổng mức đầu tư dự án kiến nghị điều chỉnh là 19.207 tỉ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là 16.697 tỉ đồng, nhu cầu vốn để tiếp tục thực hiện dự án là 2.510 tỉ đồng.
Nêu ý kiến thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết đề xuất điều chỉnh của Chính phủ là phù hợp.
Việc xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đề nghị đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6, không ban hành nghị quyết riêng về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14.
Dù vậy, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần chủ động và kịp thời báo cáo Quốc hội khi quá trình triển khai dự án có khả năng không bảo đảm tiến độ và một số chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết của Quốc hội cần phải điều chỉnh. Bảo đảm không phát sinh thêm thủ tục, gây lãng phí thời gian và nguồn lực thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, cần đánh giá nguyên nhân khách quan và chủ quan, rút kinh nghiệm khi để chậm tiến độ.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị đánh giá việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án “đến hết năm 2024” thay vì hoàn thành trước năm 2021 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của dự án.
Trước đó, theo Nghị quyết số 94/2015/QH13, giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
“Nếu việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án đến hết năm 2024 mà không điều chỉnh về thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1, liệu có bảo đảm khả thi về tiến độ của giai đoạn 1”, ông Thanh nêu và đề nghị Chính phủ sớm đề xuất, báo cáo Quốc hội phương án điều chỉnh thời hạn hoàn thành sân bay Long Thành giai đoạn 1 so với Nghị quyết 94.
Chính thức khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành