CON NHÀ TÔNG
Trong khóa "y muỗi" (cách gọi trìu mến mà các anh chị khóa trên dành cho các sinh viên (SV) năm nhất - PV) năm nay của Trường ĐH Y Hà Nội,ýdochủnhânHCVhóahọcquốctếchọnngàzalo website có nhiều tân SV đạt kết quả tuyển sinh xuất sắc, với 85 em được tuyển thẳng ngành y khoa. Trong đó, tân SV Nguyễn Mạnh Khôi là một trường hợp "đặc biệt".
Khôi được nhiều thầy cô Trường ĐH Y Hà Nội biết tới bởi thành tích học tập xuất sắc (HCV hóa học quốc tế 2023). Em còn là con trai của một đồng nghiệp quen thân với họ, PGS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trưởng bộ môn ngoại chấn thương chỉnh hình (Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội), người được mệnh danh là "bàn tay vàng" trong giới mổ nội soi khớp gối ở VN.
Gặp chúng tôi ở lễ khai giảng năm học 2023 - 2024, PGS Khánh cho biết ông vừa xong một ca phẫu thuật nên đến muộn. Mặc dù rất bận, nhưng lễ khai giảng đầu tiên của con ở trường y là sự kiện đánh dấu bước đầu tiên trên hành trình con trai nối nghiệp của gia đình, rất quan trọng nên ông muốn có mặt. "Đây là thời khắc thiêng liêng với đại gia đình tôi. Cách đây 66 năm, bố tôi đã bước chân vào Trường ĐH Y Hà Nội, sau đó đến lượt tôi, cách đây 32 năm. Giờ con trai tôi tiếp bước con đường mà bố tôi và tôi đã đi. Tôi thực sự biết ơn con", PGS Khánh nói.
Theo PGS Khánh, việc Khôi lựa chọn ngành y chưa bao giờ là sự áp đặt của gia đình. Ngày bé, gia đình chỉ mong con có ý thức học tập tốt, học giỏi; còn con muốn đi theo con đường nào khi chọn nghề thì gia đình không can thiệp. "Tôi cho rằng tình yêu nghề y đến với Khôi theo cách tự nhiên, giống như cách mà nó đã đến với chính tôi. Từ 4 - 5 tuổi, tôi đã theo bố mẹ lê la trong khuôn viên Trường ĐH Y Hà Nội, vì thế tôi mặc định đời tôi thuộc về thế giới ngành y. Con tôi cũng vậy, từ bé, cứ sau giờ học là con lại lang thang ở Bệnh viện Việt Đức để chờ bố đưa về", PGS Khánh tâm sự.
Dù là một chuyên gia nổi tiếng trong giới mổ nội soi khớp gối tại VN (với khoảng 12.000 ca mổ nội soi khớp gối trong tổng số hơn 30.000 ca phẫu thuật mà ông đã thực hiện thành công trong hơn 25 năm gắn bó với nghề y - PV), nhưng PGS Khánh cho rằng con không nhất thiết phải học chuyên ngành của bố. "Bố tôi chuyên hồi sức cấp cứu, tôi chuyên về xương khớp. Con không nhất thiết phải giống ông hay bố, mà cứ chọn chuyên khoa theo sở trường của mình. Chuyên khoa nào cũng là chữa bệnh cứu người", PGS Khánh chia sẻ.
THÍCH CHỌN CON ĐƯỜNG... VẤT VẢ
Chia sẻ với Báo Thanh Niên, Nguyễn Mạnh Khôi xác nhận, đúng là nghề nghiệp của ông nội (bác sĩ Nguyễn Mạnh Tài, nguyên Phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - PV) và bố đã ảnh hưởng rất lớn tới việc chọn nghề của Khôi sau này. "Hồi em còn nhỏ, ông nội em có một phòng khám tại gia đình. Em quan sát cách mà ông giao tiếp với bệnh nhân thấy thích lắm, thấy ông nội mình thật hạnh phúc vì mọi người rất quý mến ông. Nhưng lúc đó em cũng chưa nghĩ gì về việc mình sẽ làm nghề gì sau này, chỉ chuyên tâm học sao cho giỏi thôi", Khôi cho biết.
Hồi tiểu học và THCS, nhìn chung Khôi học giỏi đều các môn. Nhưng môn học khiến em có hứng thú hơn cả là môn hóa. Một phần do bố em ngày xưa vốn là học sinh chuyên hóa nên ngay từ các bước "nhập môn", em đã được bố truyền cho niềm hứng khởi. Vì thế, khi thi vào lớp 10, em đã đỗ và vào học lớp chuyên hóa Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Với khả năng học vượt trội, Khôi được chọn vào đội tuyển để tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia từ sớm. Năm lớp 11, em đoạt giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn hóa; năm lớp 12, em tiếp tục đoạt giải nhất quốc gia, sau đó được chọn vào đội tuyển quốc gia dự kỳ thi Olympic hóa học quốc tế 2023 (được tổ chức ở Thụy Sĩ) và đoạt HCV.
Khôi kể: "Lên lớp 10, em biết chắc chắn là mình mơ ước trở thành thầy thuốc, nối nghiệp ông nội và bố. Năm lớp 11, sau khi đoạt giải nhất quốc gia môn hóa, em biết là ước mơ của mình đã thành hiện thực (vì sẽ được xét tuyển thẳng vào ngành y khoa, Trường ĐH Y Hà Nội - PV). Nhưng em vẫn muốn tiếp tục thử sức mình, lên lớp 12 vẫn phấn đấu học thật giỏi để được đi thi quốc tế".
Thực ra Khôi cũng đã từng phân vân, vì quá yêu thích môn hóa, chỉ muốn gắn bó mãi với môn học này. Nhưng rồi ước mơ theo đuổi nghề y, trong đó có yếu tố tình cảm gia đình thôi thúc, em quyết định chọn nghề y. "Nếu trở thành nhà nghiên cứu hóa học thì em sẽ chỉ làm việc trong phòng lab, rất ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Còn làm nghề y như ông nội với bố thì em được tiếp xúc với nhiều người hơn, được nhận niềm vui mà nghề nghiệp mang lại trực tiếp và thường xuyên", Khôi chia sẻ.
PGS Khánh cho biết: "Sau khi biết con quyết tâm chọn nghề y, tôi đã chia sẻ nhiều hơn để con hiểu là làm ngành y thì cực kỳ vất vả, nhưng nếu có đam mê thì vượt qua được hết. Thành quả lao động của người thầy thuốc ảnh hưởng trực tiếp với người bệnh, đó là giá trị vô giá. Điều này là động lực cho mình hứng khởi và nhiệt huyết với nghề".