Tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM mỗi trưa, cô bảo mẫu của từng lớp sẽ cầm sẵn tờ giấy in thông số bữa cơm bán trú của lớp mình hôm đó để cân ký đối chứng với đơn vị cung cấp suất ăn bán trú, chỉ khi số lượng đủ, mới nhận hàng.
Ở trường tiểu học này, tiền ăn bán trú mỗi ngày là 35.000 đồng/em (gồm bữa trưa và xế), đúng theo quy định tại Nghị quyết 04 năm 2023 của Hội đồng nhân dân TP.HCM. Trong bối cảnh giá cả thực phẩm tăng cao, để vừa đảm bảo mức thu suất ăn bán trú đúng quy định của thành phố, vừa đảm bảo với số tiền đó học sinh được ăn no, ăn đủ, nóng sốt, nhà trường và đơn vị cung cấp suất ăn phải cân đong đo đếm rất kỹ lưỡng. Đồng thời, đơn vị cung cấp suất ăn cũng hỗ trợ tích cực nhà trường vì là đơn vị cung cấp lâu năm.
Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, cho biết để đảm bảo suất ăn đủ về khối lượng, đảm bảo chất lượng, để học sinh ăn ngon, ăn no, đủ chất thì ngay từ đầu nhà trường đã phải làm rất chặt chẽ với bên cung cấp suất ăn. Đơn vị đó phải thực hiện theo việc định lượng từng nhóm tuổi để khi nhập thức ăn vào trường, nhà trường sẽ kiểm tra lại chất lượng món ăn và đủ khối lượng.
Nhà trường yêu cầu bên cung cấp suất ăn không chia sẵn theo từng khay cho từng em.
Bên cung cấp suất ăn phải giao về từng lớp với đủ số lượng cơm, canh, đồ mặn, từng lớp (cân ký để biết đủ khối lượng). Sau đó, các lớp sẽ yêu cầu học sinh xếp hàng để các em tự lấy cơm, canh, cô bảo mẫu sẽ chia đồ mặn. Nhờ vậy, học sinh ăn đủ, ăn no và phần ăn sẽ nóng hơn.
Nhờ phần mềm dinh dưỡng tính toán, cân đối lượng thực phẩm mà mỗi lớp học, tương ứng với độ tuổi học sinh, nhu cầu dinh dưỡng, số lượng học sinh ăn trưa trong lớp mà hộp đựng đồ ăn sẽ có khối lượng, số lượng khác nhau.
Mỗi cô bảo mẫu sẽ cầm sẵn tờ giấy in thông số bữa cơm bán trú của lớp mình hôm đó để cân đối chứng với đơn vị cung cấp suất ăn, chỉ khi số lượng đủ, mới nhận hàng. Không cho phép bên cung cấp cơm làm việc tùy ý thích giao đến bao nhiêu cũng được.
Ví dụ trưa nay ăn rau xào, cơm trắng, xíu mại, canh, chuối. Lớp 3/1 có 33 suất ăn trưa. Đúng chuẩn thì phải cần 5,6 kg cơm trắng; 8,3 kg canh; 1,7 kg món mặn (xíu mại, cân riêng phần viên, không tính nước); 0,8 kg rau xào. Bảo mẫu kiểm tra đúng đủ số cân, nhận xét màu sắc món ăn, vệ sinh thực phẩm, vật dụng đảm bảo thì mới ký nhận vào bảng định lượng.
Những ngày trường phục vụ món nước như phở, nui, hủ tiếu, xe chở suất ăn tới sẽ phải đưa phần nước dùng vào phòng giáo dục dinh dưỡng của trường để hâm nóng lại, trước khi chia về từng lớp để bữa ăn luôn ngon miệng.
"Tôi thường xuyên đi quanh các lớp xem hôm nay học sinh ăn như thế nào, có hết suất ăn của mình không, các con nhận xét cơm như thế nào. Ở đây hầu như học sinh ăn rất được, ít khi bỏ thừa đồ ăn, hôm nào thừa đồ ăn có thể vì bên cung cấp suất ăn cho dư hơn", cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, cho biết.
Tại trường học này, có 2 người luôn luôn ăn suất cơm bán trú như học sinh. Một là nhân viên y tế, phải ăn trước học sinh 30 phút để kiểm tra bữa ăn có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không, màu mùi như thế nào. Sau đó là cô hiệu trưởng, ăn sau khi học sinh đã ăn xong để đánh giá xem chất lượng bữa ăn như thế nào, cần điều chỉnh tăng, giảm số lượng ra sao.
"Menu bữa ăn bán trú luôn được công khai trên trang web trường học. Hàng năm, ngoài các đợt ban giám hiệu nhà trường, ban đại diện cha mẹ kiểm tra định kỳ đơn vị cung cấp suất ăn thì chúng tôi cũng có những buổi đột xuất kiểm tra đơn vị đó. Để xem họ có tuân thủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, nguồn gốc xuất xứ thực phẩm như thế nào", cô Hương nói.
Trường học có bếp ăn cũng cân ký lượng thực phẩm giao về từng lớp
Không chỉ với trường học đặt suất ăn bán trú từ đơn vị cung cấp suất ăn bên ngoài mới cần cân ký đối chứng thực phẩm giao về trường.
Trong quá trình đi thực tế nhiều bếp ăn trường học tại TP.HCM, phóng viên Báo Thanh Niên ghi nhận, khi nhà bếp trường học nấu xong các món ăn sẽ tới phần chia cơm, đồ ăn về lớp. Nhân viên nhà bếp cũng sẽ có bảng tính toán lượng thực phẩm của từng lớp, tương ứng với sĩ số ăn cơm bán trú của lớp đó, để cân ký cơm, đồ ăn cho chính xác.
Như tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM, các món cơm, canh, đồ mặn sau khi được nhân viên đầu bếp cân đủ số lượng cho từng lớp, các bảo mẫu sẽ di chuyển suất ăn bán trú về vị trí bàn ăn của lớp mình.
Hiệu trưởng nhiều trường tiểu học tại TP.HCM cho biết nhiều năm qua, nhiều trường học tại TP.HCM thực hiện dự án bữa ăn học đường, áp dụng phần mềm dinh dưỡng trong xây dựng thực đơn, tính toán khẩu phần, số thực phẩm nhập vào, tính đơn giá suất ăn bán trú... Nhờ đó công tác tổ chức bữa ăn bán trú trường học thuận tiện, khoa học hơn...