Ai cũng làm được KOC?
Ông Nguyễn Ngọc Long, người sáng lập truyền thông Trăng Đen, lý giải: “KOC viết tắt của cụm từ key opinion customer, có nghĩa là khách hàng, người tiêu dùng chủ chốt. Có thể hiểu nếu các KOC mua sản phẩm để sử dụng và có những trải nghiệm. Sau đó chia sẻ cho mọi người về những mặt tốt và xấu của sản phẩm để họ không mất quá nhiều thời gian, tiền bạc dùng thử”, ông Long cho biết.
Là KOC trong lĩnh vực mỹ phẩm, làm đẹp và thời trang 3 năm nay, Phương Chinh (22 tuổi), ngụ tại TP.HCM, chia sẻ: “Vào năm nhất ĐH, mình được khá nhiều người biết đến qua loạt hình ảnh chụp tại trường. Khoảng thời gian đó mình chưa biết gì về KOC nhưng được các nhãn hàng đặt hàng nên gắn bó đến bây giờ”.
Chinh chia sẻ: “Đầu tiên sẽ là tiền, công việc này đem đến cho mình thu nhập rất ổn, có thể trang trải chi phí hàng tháng mà không cần xin ba mẹ. Ngoài ra, từ công việc này mình biết thêm được nhiều sản phẩm, nhãn hàng”.
Cũng làm KOC hơn 1 năm nay, Nguyễn Mai Liên (23 tuổi), ngụ tại Hà Nội, chia sẻ biết đến công việc này chỉ là tình cờ. “Nhãn hàng biết đến mình và họ đặt hàng. Sau khi làm thì thấy phù hợp và yêu thích nên mình chuyên tâm theo đuổi. Mình tốn 2 năm để xây dựng hình ảnh cá nhân mới có được ngày hôm nay”, Liên kể.
Liên cho biết công việc này đã giúp cô thay đổi mọi thứ từ tài chính, ngoại hình đến tính cách. “Mình chỉn chu hơn khi ra ngoài và xinh đẹp ngay cả lúc ở nhà. Đầu óc mình luôn sáng tạo mọi lúc mọi nơi. Tuy vậy, đi liền với mức thu nhập ổn định là phải đánh đổi bằng sự bận rộn, luôn giữ cảm xúc vui vẻ, nhiều năng lượng. Mình nghĩ đây là công việc mà ai cũng có thể làm tuy nhiên phát triển đến đâu là phụ thuộc vào mỗi người”, Liên chia sẻ.
Để trở thành một KOC chuyên nghiệp
Khi được hỏi về các yếu tố để trở thành KOC, Phương Chinh chia sẻ: “Chắc chắn cần có lượng theo dõi nhất định và lượt tương tác trên trang cá nhân cũng phải tốt. Ngoài ra, cần am hiểu về những lĩnh vực mà mình theo đuổi. Ví dụ, mình làm về mỹ phẩm thì cần am hiểu về nó và phải đầu tư xây dựng hình ảnh cá nhân. Vì hình ảnh càng chỉn chu cho thấy được mình thật sự chú tâm vào công việc”.
Ông Long cho biết: “Điều kiện đầu tiên là phải có trải nghiệm phong phú và đa dạng. Thứ 2 là bạn muốn chia sẻ điều đó cho người khác. Còn để trở thành KOC chuyên nghiệp, biến nó thành cái nghề thì mỗi người phải có trải nghiệm chân thực về 1 số sản phẩm nhất định theo thời gian dài. Ngoài ra, cần phải tiêu dùng 1 cách chủ động. Đầu tư tiền trải nghiệm nhiều lần, ở những thời điểm khác nhau để có những chia sẻ chân thực, chính xác và công tâm nhất”.
Và để có thể phát triển lâu dài trong nghề, ông Long cũng lưu ý rằng phải chuyên nghiệp hóa công việc của mình và có chiến lược rõ ràng.
“Cần hiểu rõ rằng KOC là chia sẻ trải nghiệm chứ không phải đơn giản là review. Do đó, cần trải nghiệm giàu có, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để chia sẻ đến với mọi người một cách công tâm, đúng như cách mình cảm nhận. Các KOC cũng phải học cách thiết lập giá trị cho bản thân để biết được mình chia sẻ như thế là hướng đến mục đích gì. Nếu chỉ chia sẻ để mọi người biết thì sẽ rất mờ nhạt. Nhưng nếu chia sẻ để mang đến cho người khác những sự tiết kiệm tiền, thời gian, giúp họ quyết định đúng đắn. Hoặc về phía các nhãn hàng, cơ sở kinh doanh sản xuất, KOC giúp họ nhìn nhận ra những vấn đề để cải thiện, thay đổi và mang đến những dịch vụ tốt hơn thì như vậy mới phát triển được lâu dài”, ông Long chia sẻ.